Bệnh vẩy nến và các thể bệnh thường gặp
Vẩy nến là bệnh lý da liễu tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm, sinh lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thời gian khởi phát, đối tượng mắc bệnh vẩy nến không giới hạn ở độ tuổi hay giới tính nào. Bệnh phát thành từng đợt, có khi tăng giảm theo mùa, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu lựa chọn sai phương pháp điều trị bệnh. Một số yếu tố có thể khiến gia tăng mức độ trầm trọng của bệnh có thể kể đến như stress, bia, rượu, thuốc lá, nhiễm trùng, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, khí hậu và môi trường...
Việc tìm hiểu về bệnh lý sẽ giúp người bệnh có có được sự hiểu biết nhất định, hỗ trợ cho quá trình điều trị vẩy nến diễn ra hiệu quả, an toàn. Dưới đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến các thể bệnh vẩy nến thường gặp hiện nay:
Vẩy nến thể mảng
Ở thể này, vẩy nến xuất hiện thành các mảng da màu đỏ đường kính trên 2cm, có thể dày lên và xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào của cơ thể, đặc biệt là những vùng da hay tì đè: khuỷu tay, đầu gối, lưng, bụng... Mảng bám có thể khiến bạn cảm thấy ngứa, đau đớn và gây ra tâm lý tự ti, tự cô lập bản thân.
Vẩy nến thể giọt
Vẩy nến thể giọt là thể bệnh khá phổ biến ở người bệnh, đặc biệt là khi bệnh mới khởi phát. Những giọt vẩy nến xuất hiện như những vết loét nhỏ trên người, đặc biệt là nửa người trên thường có đường kính dưới 2cm.
Vẩy nến thể móng
Bệnh vẩy nến móng thường đi kèm các triệu chứng như lõm móng bất thường, bề mặt móng gồ ghề và có nhiều lỗ li ti. Có các vẩy trắng hoặc bạc ở dưới móng tay, khiến móng tay bị tách khỏi thịt. Khoảng 1/3 số người mắc bệnh vẩy nến thể móng có thể bị bệnh nấm móng, kéo theo tình trạng móng tay trở nên dễ gãy, lỏng lẻo hoặc tách biệt khỏi nền móng.
Những thay đổi ở móng tay có thể khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động cần sử dụng tay.
Vẩy nến thể mủ
Vẩy nến thể mủ xuất hiện dưới dạng những mụn mủ màu trắng dưới da. Kích thước mụn mủ theo đó cũng to nhỏ khác nhau. Các mụn mủ/hồ mủ này sẽ khô và biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần. Trong quá trình phát bệnh, có thể đi kèm triệu chứng sốt cao. Vẩy nến thể mủ thường xảy ra do phản ứng thuốc, quá trình mang thai hay đơn giản là tình trạng căng thẳng, cú sốc về tâm lý.
Vẩy nến thể đỏ da toàn thân
Vẩy nến thể đỏ da toàn thân là một dạng nặng của bệnh vẩy nến. Biểu hiện đặc trưng của thể này là cơ thể bị đỏ, phát ban, bong tróc đi kèm cảm giác ngứa dữ dội, sốt cao. Vẩy nến thể đỏ da toàn thân có thể phát triển từ vẩy nến thể thông thường và bị nặng hơn do chấn thương tinh thần, nhiễm khuẩn hoặc sử dụng thuốc điều trị không hợp lý...
Do nằm trong nhóm bệnh tự miễn, người bệnh vẩy nến cần được xác định thể bệnh chính xác, kết hợp tình trạng tiến triển của bệnh để đưa ra được phương pháp điều trị bệnh vẩy nến tốt nhất. Bên cạnh đó, người bệnh nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược để chăm sóc da, hỗ trợ quá trình điều trị.
10:51:34
14/04/2017