Về nguyên nhân gây ra vảy nến da đầu cho đến nay chưa có kết luận cụ thể. Các chuyên gia y tế khẳng định tình trạng vảy nến da đầu xuất phát từ bất thường trong hệ miễn dịch khiến các tế bào da tăng sinh với tốc độ nhanh chóng, dần dần chúng tích tụ lại trên da đầu tạo thành các mảng bám bong tróc.
Dưới đây chúng tôi xin được liệt kê những yếu tố được đánh giá là có tác động đến sự khởi phát của bệnh vảy nến.
Xem thêm: Cách chữa trị vảy nến da đầu như nào?
Căn bệnh vảy nến nói chung và vảy nến da đầu nói riêng có liên quan đến yếu tố di truyền hay nói cách khác là vảy nến mang yếu tố gia đình. Nếu trong gia đình có ông bà, cha mẹ hay anh chị em bị vảy nến da đầu thì rất có thể các thế hệ sau cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với gia đình không có ai bị bệnh.
Thống kê hiện nay tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa da liễu tại Việt nam cho thấy: có khoảng 1/3 người mắc bệnh vảy nến báo cáo có tiền sử gia đình mắc bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có nguy cơ mắc bệnh vẩy nến khi trong gia đình có người bệnh vảy nến.
Theo các nhà khoa học thì vảy nến da đầu có mối liên hệ mật thiết với các tế bào lympho T. Đây là một trong những tế bào của hệ miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.
Khi hoạt động của hệ miễn dịch gặp rối loạn có thể ảnh hưởng tới chức năng của tế bào lympho T. Lúc này nó sẽ nhầm lẫn các tế bào da bình thường là tác nhân có hại, thay vì bảo vệ cơ thể nó lại quay sang tiêu diệt các tế bào da này dẫn tới hiện tượng vùng da thượng bì tạo thành những đám vẩy trắng.
Sự nhầm lẫn này ở hệ miễn dịch gây ra phản ứng viêm và tăng tốc độ phát triển của các tế bào da. Ở da của người bình thường, chu kỳ thay mới dao động từ 10 - 30 ngày nhưng ở người bệnh quá trình này rút ngắn xuống chỉ còn 3 - 4 ngày. Điều này dẫn đến sự tích tụ quá mức của các tế bào da, tạo thành các mảng bạc trên bề mặt da, gây bong tróc liên tục.
Những yếu tố từ môi trường bên ngoài đóng vai trò là nguyên nhân kích hoạt vảy nến khởi phát và thúc đẩy bệnh diễn biến trầm trọng hơn nếu bệnh nhân không kiểm soát tốt những yếu tố này. Có thể kế đến như:
Sử dụng thuốc điều trị sốt rét, kháng sinh tetracycline, thuốc chứa thành phần lithium, corticoid trong thời gian kéo dài hoặc lạm dụng những thuốc này trong điều trị có thể là nguyên nhân khiến khởi phát bệnh vảy nến. Do đó người bệnh cần hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh. Tuyệt đối không tự ý điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên môn để tránh những hệ lụy không đáng có.
Hút thuốc lá trực tiếp hay thụ động; nghiện rượu, bia cũng được coi là một nhóm yếu tố khởi phát bệnh hoặc làm cho bệnh trở nên nặng hơn. Rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích… là những nhân tố gây cản trở cho quá trình điều trị vảy nến và kiểm soát vảy nến của bệnh nhân.
Môi trường sống ô nhiễm: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất… dẫn đến cơ thể dung nạp nhiều chất có khả năng gây nên những biến đổi về gen, tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch của con người. Đây được coi là yếu tố gây nên nhiều bệnh tật cũng như kích hoạt vảy nến và làm biểu hiện của bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
Chấn thương hoặc bị nhiễm trùng
Bị nhiễm trùng sau chấn thương hoặc sau các kích thích cơ học như gãi da đầu hoặc chà xát quá mạnh khiến vùng thượng bì của da bị ảnh hưởng (hiện tượng Koebner) là một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến khởi phát các bệnh da liễu, trong đó có vảy nến da đầu. Các chấn thương, sang chấn ở da đầu kể cả vết thương nhẹ cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.
Những bệnh lý như viêm họng, viêm da hoặc nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn có thể làm khởi phát vảy nến da đầu. Một số trường hợp nhiễm HIV cũng có thể làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Lối sống sinh hoạt là nhân tố tác động trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Việc duy trì lối sống thiếu khoa học, ít rèn luyện thể dục thể thao, lười vận động, thường xuyên thức khuya, lo âu, căng thẳng kéo dài dễ dẫn đến các hoạt động sinh học của cơ thể vận hành rối loạn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, không bổ sung đầy đủ các nhóm dinh dưỡng cần thiết, thiếu hụt các chất, vi lượng thiết yếu như: vitamin D, A, E, các axit amin, lợi khuẩn… có thể là yếu tố khởi phát bệnh.
Hệ nội tiết bao gồm một chuỗi các cơ quan và các tuyến có tính kết nối, có nhiệm vụ sản xuất và bài tiết các hormone nội tiết, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và điều hòa quá trình trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng, sinh sản, phát triển cũng như đáp ứng của cơ thể với stress, tổn thương, tâm trạng.
Tuyến thượng thận thuộc hệ nội tiết có nhiệm vụ tạo ra, giải phóng các hormone corticosteroid, catecholamines giúp duy trì huyết áp và điều hòa quá trình trao đổi chất. Khi hệ nội tiết bị rối loạn dễ gây ra những bệnh lý nghiêm trọng như: Hội chứng Cushing, tiểu đường, suy tuyến thượng thận… đây là những bệnh lý có mối liên hệ mật thiết với bệnh vảy nến.
Ở nữ giới, bệnh vảy nến thường xuất hiện hoặc bùng phát trong thời kỳ dậy thì hoặc mãn kinh. Trong khi mang thai, triệu chứng bệnh thường giảm dần và có thể tạm thời biến mất nhưng có thể tái phát sau khi sinh.
Xem thêm: Dấu hiệu bệnh vảy nến da đầu và cách kiểm soát hiệu quả
Trên đây là một số những yếu tố có tác động đến việc khởi phát và trầm trọng hơn những biểu hiện của bệnh vảy nến nói chung và vảy nến da đầu nói riêng. Mong bạn đã có thêm những thông tin hữu ích góp phần vào việc kiểm soát bệnh vảy nến nhé!