Vẩy nến là căn bệnh da liễu mạn tính, thường gặp đặc trưng bởi sự tăng sinh tế bào da một cách bất thường. Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến được xác định có liên quan đến gen và rối loạn miễn dịch ở cơ thể người cùng với các yếu tố như: chấn thương da, nhiễm trùng, sử dụng thuốc đặc trị, căng thẳng, stress, thời tiết, môi trường, rượu bia, thuốc lá...
Tổn thương da đặc trưng ở bệnh vảy nến là những mảng da đỏ, tróc vẩy ở bề mặt và có giới hạn rõ ràng. Những vị trí dễ bị vẩy nến là da đầu, khuỷu tay, đầu gối, cẳng tay, cẳng chân, vùng nếp gấp… Người ta chia thành 2 thể chính là vẩy nến thể thông thường và vẩy nến thể đặc biệt. Mỗi thể bệnh có mức độ và biểu hiện khác nhau.
1. Các thể bệnh vẩy nến thường gặp
Vẩy nến thông thường chiếm từ 85 – 90% các thể bệnh vẩy nến, bao gồm các dạng bệnh vẩy nến như vẩy nến thể chấm giọt, vẩy nến thể mảng.
Vẩy nến giọt:
Vẩy nến thể giọt là một dạng vẩy nến thường gặp khác. Bệnh vẩy nến giọt xuất hiện đột ngột ở bất kỳ độ tuổi nào.
Dấu hiệu khá dễ nhận biết của vẩy nến giọt là những tổn thương nhỏ màu đỏ hoặc hồng, có đường kính từ 1 mm cho đến vài mm, bên trên có phủ vẩy mỏng màu trắng đục, dễ bong và cạo ra vụn như phấn. Các vẩy này nổi rải rác khắp người, nhất là nửa thân trên, tay chân và da đầu. Các tổn thương này phát triển dần từ nhẹ đến nặng và lan rộng. Thể bệnh này có đáp ứng tố với kháng sinh, đỡ dần hoặc khỏi nhưng nếu điều trị không đúng cách có thể gây đỏ da toàn thân.
vẩy nến thể giọt
Vẩy nến mảng:
Vẩy nến thể mảng là dạng vảy nến phổ biến nhất của bệnh vảy nến nói chung và vẩy nến thể bình thường nói riêng. Loại vẩy nến này chiếm khoảng 80% các trường hợp vẩy nến, thường xuất hiện ở vùng da đầu, khuỷu tay, lưng, mặt trước cẳng chân, đầu gối, xương cùng.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh vẩy nến mảng là những mảng vẩy màu bạc nổi trên bề mặt da. Các mảng hồng ban này xuất hiện với kích thước khác nhau với đường kính từ 5 – 10cm. Lúc đầu chỉ là vài vẩy nhỏ có lớp vẩy trắng trên đầu. Về sau, các nốt vẩy trắng ngày càng lan rộng. Các mảng da sẽ bong tróc từng mảng rồi lặp đi lặp lại một cách dai dẳng. Vùng da bệnh vảy nến mảng khô, nổi cộm, gây ngứa, thậm chí gây đau nhức.
Vẩy nến thể mảng
2. Vẩy nến thể đặc biệt
Mặc dù chỉ chiếm 10 – 15% các trường hợp vảy nến nhưng vẩy nến thể đặc biệt là thể bệnh nghiêm trọng và nguy hiểm nhất mà bệnh nhân cần lưu ý trong quá trình điều trị. Các loại vẩy nến trong thể đặc biệt bao gồm: vẩy nến mủ, vẩy nến đỏ da toàn thân, vẩy nến thể móng - khớp.
Vẩy nến đỏ da toàn thân:
Vảy nến đỏ da toàn thân là một trong những thể bệnh nặng và nguy hiểm nhất trong tất cả các thể bệnh vẩy nến. Thể vẩy nến đỏ da có thể tiến triển từ vẩy nến thể giọt hoặc do biến chứng của các bệnh vẩy nến thể bình thường không được điều trị khoa học.
Biểu hiện đặc trưng của thể bệnh này là các tổn thương lan ra toàn cơ thể, đỏ tươi, căng bóng, phù nề, cộm, tróc vảy, các nếp kẽ bị trợt loét, rớm dịch mủ, nứt nẻ, không còn vùng da nào lành. Bệnh gây ngứa dữ dội, đau rát và cực kỳ khó chịu. Khi gãi dễ bị lở loét và gây nhiễm khuẩn. Ngoài các biểu hiện trên da, bệnh nhân còn kèm theo một số triệu chứng toàn thân như sốt cao, rét run, rối loạn tiêu hoá, suy nhược và có thể gây tử vong nếu mắc bệnh nhiễm khuẩn nào đó.
Vẩy nến thể mủ:
Cùng với vẩy nến đỏ da toàn thân, vẩy nến thể mủ cũng được các chuyên gia cảnh báo là thể bệnh vẩy nến rất nguy hiểm.
Dấu hiệu của vẩy nến thể này là các đám đỏ da lan toả có nổi chi chít các mụn mủ khoảng 1-2 mm, gây bỏng rát xuất hiện ở một vùng nhỏ ở bàn tay, ngón tay, bàn chân hoặc lan rộng ra toàn thân. Các mụn mủ có thể liên kết với nhau thành các mảng mủ lớn hơn (còn gọi là hồ mủ). Về sau, xuất hiện giai đoạn róc vẩy lá rộng kéo dài trong nhiều tuần. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng toàn thân như sốt cao đột ngột, mệt mỏi, rụng tóc, tổn thương móng, phù nề ở chân tay, sốt cao, tiêu chảy, nổi hạch bẹn, giảm bạch cầu và hạ kali huyết…
Vẩy nến thể mủ
Vẩy nến thể khớp
Vẩy nến thể khớp còn được gọi là viêm khớp vẩy nến, là một thể bệnh vẩy nến nặng có ảnh hưởng đến khớp xương. Đa số các trường hợp tổn thương vẩy nến xuất hiện trước các tổn thương khớp. Tổn thương da cũng nặng hơn và có tính chất lan tỏa, dầy gồ cao như vỏ sò, đôi khi kèm theo vẩy nến đỏ da.
Ở khớp, tổn thương viêm đa khớp mạn tính, các khớp sưng đau và có thể dẫn đến biến dạng khớp, teo cơ, hạn chế cử động ngón tay và ngón chân. Nếu không được điều trị tích cực sẽ khiến giảm khả năng vận động thậm chí gây tàn phế cho người bệnh.
Vẩy nến thể khớp
Ngoài các thể vẩy nến chính và thường gặp trên đây thì còn cò thể vẩy nến móng, vẩy nến đảo ngược… Song, tỉ lệ xuất hiện của các thể bệnh vảy nến này không cao và không phổ biến bằng những loại được liệt kê trên đây.
Để ngăn chặn các biến chứng không mong muốn của bệnh vẩy nến, ngay từ khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên da, bệnh nhân nên nhanh chóng đến các cơ sở chuyên khoa uy tín để được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán chính xác. Từ đó có hướng điều trị kịp thời, đúng cách và hiệu quả, đẩy lùi căn bệnh vẩy nến ngay từ giai đoạn đầu.