Nhịp tim nhanh, dễ bị kích động, lo âu, thường xuyên đau đầu hoặc mất ngủ, cứng cổ, đau lưng, đổ mồ hôi… là những triệu chứng dễ thấy của stress. Rất nhiều chuyên gia y tế có cùng ý kiến cho rằng bệnh ngoài da có liên quan rất chặt chẽ với stress tâm lý và các loại bệnh tật khác. Stress đã được chỉ ra là một trong các yếu tố dẫn đến khởi phát hoặc làm trầm trọng hơn bệnh vẩy nến.
Stress là gì?
Các yếu tố gây hiện tượng stress (căng thẳng) có thể xuất hiện bất cứ thời gian nào trong cuộc đời của mỗi con người. Đó có thể là: sang chấn tinh thần, căng thẳng mạn tính (liên quan đến công việc, tài chính hoặc các mối quan hệ khác)...
Triệu chứng thường thấy của stress bao gồm: dễ bị kích động, lo âu, thường xuyên đau đầu hoặc mất ngủ, cứng cổ, đau lưng, đổ mồ hôi… Stress được cho là có liên quan đến một số rối loạn hành vi như ăn vô độ hoặc ăn không đủ, lạm dụng rượu và chất kích thích hoặc xa lánh xã hội…
Ai cũng có thể rơi vào trạng thái stress mệt mỏi, việc đối mặt với stress có thể do một số tác nhân như:
- Những người có thái độ tiêu cực, dễ suy nghĩ và mất niềm tin vào cuộc sống rồi sinh ra mệt mỏi căng thẳng đầu óc.
- Người làm việc căng thẳng: Làm việc với khối lượng công việc lớn, áp lực, bế tắc trong công việc gây ra trạng thái quá tải…
- Gặp phải một số biến cố về tình cảm, hoàn cảnh gia đình, xã hội tác động dễ làm người ta rơi vào trạng thái bế tắc, suy nghĩ tiêu cực gây stress.
Stress được cho là yếu tố khởi phát và làm trầm trọng hơn bệnh vẩy nến
Stress và vẩy nến
Vẩy nến là một chứng bệnh mạn tính, đặc trưng là các mảng vẩy như sáp nến có ranh giới rõ ràng, thường xuất hiện ở các vùng tì đè (khuỷu tay, đầu gối), thân và da đầu.
Y học đã khẳng định mối liên hệ chặn chẽ giữa yếu tố tâm lý stress với bệnh vẩy nến. Theo đó, khi chúng ta căng thẳng sẽ tác động lên hệ sinh học cơ thể. Ở một số nhóm người, cơ chế này khởi động các yếu tố tự miễn dịch phát sinh ra bệnh vẩy nến. Bất kì một biểu hiện nào của stress (lo âu, căng thẳng, xấu hổ, mất lòng tự trọng) đều gây ức chế hệ thần kinh sản sinh ra các chất độc với cơ thể và da, làm bệnh vẩy nến bùng phát và nghiêm trọng hơn.
Trên thực tế, stress gây kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, khiến là da nhanh bị lão hóa nên dễ dễ gây bệnh ngoài da như viêm da tiết bã, bệnh á sừng, bệnh vẩy nến. Stress và bệnh vẩy nến dường như đi đôi với nhau. Bệnh vẩy nến thường trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh chịu nhiều căng thẳng. Mặt khác, bệnh vẩy nến cũng có thể gây những hiện tượng tâm lý bất an, lo lắng, sốc cảm xúc… do ngoại hình người bệnh bị ảnh hưởng, do sự xa lánh của cộng đồng cũng như sự thu mình với các mối quan hệ khác.
Khi những người không bị vẩy nến cảm thấy căng thẳng, cơ thể của họ sẽ phản ứng bằng cách phóng thích các hoocmon như: cortisol, epinephrine và norepinephrine. Trên thực tế, bệnh nhân vẩy nến có thể sản xuất thêm epinephrine và norepinephrine để đáp ứng với stress hơn người bình thường. Mức cortisol thấp hơn, epinephrine và norepinephrine cao hơn, tạo ra một môi trường chống viêm khiến biểu hiện vẩy nến trầm trọng hơn.
Stress khiến các hoocmon epinephrine và norepinephrine được sản sinh nhiều hơn,
tạo điều kiện cho vẩy nến khởi phát và trở nên trầm trọng hơn
Ngay như việc người bệnh đối diện với tình trạng vẩy nến của bản thân. Chính sự kỳ thị của cộng đồng cũng như tâm trạng tự ti của bản thân người bệnh, áp lực về việc lựa chọn phương pháp điều trị, chi phí điều trị, hiệu quả điều trị vẩy nến… cũng làm gia tăng tình trạng căng thẳng cho họ.
Stress là một hệ quả của cuộc sống bận rộn, căng thẳng và cạnh tranh kéo dài. Stress cũng đồng thời là nguyên nhân của nhiều chứng bệnh mà ngày càng nhiều người mắc phải, trong đó có vẩy nến. Để tránh xa được những chứng bệnh không mong muốn ấy, chúng ta phải kiểm soát được tình trạng stress của bản thân mình. Cách tốt nhất là hãy sắp xếp cuộc sống và công việc một cách khoa học, hợp lý để tránh những tình huống quá sức mình. Đó là cách giải quyết tận gốc và triệt để vấn đề về mối liên hệ giữa stress và vẩy nến.